Huyện Na Hang

3:25 AM
LÊ QUANG SÁNG - Xin phép được giới thiệu đến mọi người về Huyện Nà Hang ( dịch theo tiếng Tày nghĩa là ruộng cuối).
Hi vọng sau bài viết này mọi người sẽ hiểu rõ hơn về Huyện Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang. Nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên ở đây. 

Na Hang hay còn gọi là Nà Hang nằm về phía Bắc của Tuyên Quang. Thị trấn Na Hang cách thành phố Tuyên Quang chừng 110 km.
Na Hang giáp với các huyện Bắc Mê (Hà Giang) và Bảo Lạc (Cao Bằng) ở phía Bắc, Chợ Đồn (Bắc Kạn) ở phía Đông, Chiêm Hóa ở phía Nam, Bắc Quang (Hà Giang) ở phía Tây
Na Hang nằm trong lưu vực của 2 sông lớn: Sông Gâm bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua núi Đổ xã Thượng Tân huyện Bắc Mê vào địa phận Na Hang với chiều dài 53 km, hướng sông chảy từ Bắc xuống Nam; Sông Năng bắt nguồn từ tỉnh Cao Bằng xuống hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) chảy qua Thác Đầu Đẳng vào địa bàn huyện Na Hang với chiều dài 25 km; hai sông hợp với nhau tại chân núi Pắc Tạ cách thượng lưu đập thuỷ điện 2 km. Ngoài ra 2 con sông Gâm và sông Năng, Na Hang còn có nhiều khe, lạch, suối nhỏ và trung bình.

Nà Hang có nhiều ngọn núi, có những cánh rừng nguyên sinh và những con suối. Dòng sông, thác nước tuyệt đẹp là của quý mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng.
"Ai lên Tuyên Quang, ngược vòng cung Lô Gâm tới Nà Hang quê em... phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi... thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ anh ơi..." Giai điệu bài hát “Tâm tình cô gái Nà Hang” của nhạc sỹ Lê Việt Hòa vấn vương, như mời gọi chúng tôi lên với Nà Hang - "nàng tiên xanh" giữa đại ngàn.
Na Hang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều. Mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, không khí lạnh, khô hanh ít mưa, có nhiều sương muối cục bộ. Nhiệt độ trung bình năm 230C. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.800mm. Độ ẩm không khí trung bình 85%.
Huyện Nà Hang có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia nổi bật là:

* Di tích hang Phia Vài (xã Khuôn Hà) là di chỉ khảo cổ điển hình đã được tìm thấy nhiều công cụ lao động có niên đại cùng thời văn hoá Hoà Bình và bộ di cốt người nguyên thuỷ bán hoá thạch.

* Di tích hang Phia Muồn (xã Sơn Phú) nằm trong khu vực phổ biến là những núi đá phiến sét vôi xen kẽ những núi đất, những dải thung lũng hẹp và những thảm rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Phia Muồn là một di chỉ cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau.

* Di tích đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang) là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285. Nơi đây có đền Pác Tạ được dựng lên để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Ngôi đền nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Tạ Sơn huyền sử, là điểm hợp lưu giữa sông Gâm và sông Năng tạo nên một cảnh sắc “Sơn thuỷ hữu tình”. Đây là một ngôi đền thiêng, mỗi khi du khách qua đây đều ghé lại thắp hương cầu nguyện.

* Di tích chùa Phúc Lâm (xã Thượng Lâm) được khởi dựng thời nhà Trần với những phế tích kiến trúc giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật tôn giáo thời Trần về quy mô, kiểu dáng, vật liệu kiến trúc và phong cách điêu khắc, hoạ tiết hoa văn trang trí...

* Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương (xã Năng Khả). Nơi đây là địa điểm tổ chức in tiền đầu tiên của nhà nước cách mạng Việt Nam.

* Di tích Xưởng Quân khí H52 (xã Thượng Lâm) và địa điểm sản xuất diêm tiêu (xã Năng Khả) là 2 cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954.

* Thắng cảnh thác Nặm Me (xã Khuôn Hà) là một con thác lớn tiêu biểu trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m, cao trên 200m so với mặt nước biển với 15 tầng thác lớn, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ với lưu lượng nước khá đều quanh năm. Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thuỷ điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn.

* Thắng cảnh Thượng Lâm (xã Thượng Lâm) với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng và 99 ngọn núi kỳ thú, nguyên sơ bao quanh lòng hồ xanh trong. Nơi đây được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”.

* Thắng cảnh động Song Long là một hang động đẹp, cách mặt nước hồ thuỷ điện trên 200m, lòng hang có nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, hấp dẫn khách đến tham quan du lịch.

Ngoài ra ngay bên thị trấn Nà Hang có thác nước Pác Ban kỳ ảo, thơ mộng, được Bộ Văn hoá -Thông tin xếp hạng là thắng cảnh quốc gia. Thác Pác Ban có chín tầng (5 tầng thác lớn, 4 tầng thác nhỏ). Đây là điểm du lịch sinh thái với thảm thực vật phong phú nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Nà Hang) không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi những nét văn hoá riêng với những điệu hát then, hát lượn, hát sli và kho tàng truyện cổ tích truyền miệng phong phú.

Huyện Nà Hang không chỉ có những nét đặc thù về điều kiện tự nhiên hiếm nơi có được, mà còn phong phú bởi nét văn hóa độc đáo của 15 dân tộc, trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh... với những lễ hội Lồng Tông, mừng lúa mới, lễ cấp sắc... vẫn duy trì. Vào mùa xuân không gian tràn ngập màu sắc của thổ cẩm và tiếng khèn Mèo, tiếng đàn tính.

Đến với Nà Hang, bạn có thể nghỉ ngơi thư giãn trong những căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá cọ vừa độc đáo vừa dân dã, thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng: cơm lam chấm muối vừng, măng rừng chấm mẻ, canh rau đắng, đặc biệt là rượu ngô được làm bằng men là cây rừng, càng uống càng say lòng; hay thưởng thức món cá đặc sản nổi tiếng: dầm xanh, anh vũ.
Khí hậu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang mang tính chất của khí hậu vùng núi cao, chia 2 mùa chủ yếu là mùa đông khô lạnh và mùa hè nóng ẩm, còn mùa xuân và thu ko rõ rệt.

- Mùa Đông từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, khung cảnh hồ Na Hang trở nên quyến rũ lạ thường, mặt hồ mờ ảo giăng sương khói, núi cao mây trắng phủ thành tầng.

- Mùa Xuân từ tháng 2 đến tháng 4, hoa đào đua nhau khoe sắc. Đây cũng là mùa mà bà con các dân tộc địa phương nô nức chuẩn bị cho một mùa lễ hội nhộn nhịp, đặc biệt là lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm.

- Mùa Hè từ tháng 5 - tháng 9, mưa tập trung nhiều từ tháng 6 đến tháng 8 khiến lượng nước trong hồ Na Hang dâng lên, các thác nước cũng trở nên ồn ã và đẹp hơn. Mùa này thích hợp để đắm mình trong làn nước mát của thác Mơ.

- Tháng 10, lá vàng rơi trên mặt hồ phẳng lặng, báo hiệu mùa Thu đến, không gian hồ Na Hang trở nên lãng mạn đượm chút buồn. Những bức ảnh say lòng người thường khắc họa cảnh sắc mùa này.

Rất hân hạnh được đón tiếp mọi người đến với Na Hang !
Từ khóa: Tổng quát về huyện Na Hang, Nà Hang, Huyện Na Hang, Giới thiệu Huyện Na Hang, Huyện Na Hang thuộc Tỉnh Tuyên Qunag
Huyện Na Hang Huyện Na Hang
910 1

Huyện Na Hang

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »